Đặc tính Tác_phẩm_văn_học

Tác phẩm văn học là phát ngôn phức hợp của người sáng tác, là sự phản ánh, khúc xạ, vang hưởng, dự cảm của đời sống hiện thực và là đối tượng tích cực của sự tiếp nhận văn học.

Ở phương diện chức năng giao tiếp và đời sống lịch sử, tác phẩm văn học không được coi như một vật phẩm (sản phẩm) cố định, bất biến, không phải là một đối tượng vật thể tuy nó tồn tại thông qua những dạng vật chất, vật liệu như chữ viết, tiếng nói, trang sách in có tính hiện hữu trên giá sách hay trong thư viện. Theo đó tác phẩm văn học được hiểu như một quá trình đồng sáng tạo và tiếp nhận, phản ánh sự tương tác từ tác giả văn học đến độc giả và từ độc giả tác động trở lại chính tác giả văn học. Mặc dù tác phẩm văn học vẫn là chính nó, sự biến dịch diện mạo vẫn diễn ra nhờ sự cảm thụ bởi độc giả, sự lý giải bởi những nghiên cứu, phê bình, bởi dư luận xã hội từng thời đại, đều làm phát sinh những phán đoán, đánh giá ít nhiều khác nhau về nội dung thẩm mỹ của tác phẩm. Quan hệ giữa tác phẩm văn học với người tiếp nhận còn được nhìn nhận ở tính chất "thỏa thuận", độc giả tuy biết tác phẩm có hư cấu, nghĩa là một hiện thực đã được tái tạo nghệ thuật, nhưng vẫn ngầm hiểu và tin rằng đó là hiện thực.

Những đặc tính nói trên cho thấy tác phẩm văn học theo cách nhìn hiện đại được hiểu như một thực thể tinh thần, một tổng thể của những hàm nghĩa phức hợp, tồn tại ở dạng khả biến, là sự thống nhất giữa những hàm nghĩa thẩm mỹ tư tưởng đã được mã hóa (có thể coi là cái tuyệt đối) trong văn bản và những cảm thụ, lý giải bởi những thời đại và thế hệ công chúng khác nhau (cái tương đối).